Như âm thanh lặp đi lặp lại của tấm kim loại trong in ấn, rập khuôn, sáo rỗng, sến sẩm, biết rồi khổ lắm nói mãi, tại sao lý tưởng của chúng ta lại lỗi thời?
Lãng mạn có cần thiết không?
F1 the Movie không trả lời thẳng vào câu hỏi này. Bộ phim đưa bạn hai chiếc tất cọc cạch và mời bạn cùng chạy bộ quanh đường đua Monza, Ý với tổ kỹ thuật của đội APXGP.
Câu chuyện bình cũ mà rượu cũng cũ
F1 the Movie kể về Sonny Hayes, một tay đua Công thức 1 từng đầy triển vọng nhưng phải rời đường đua sau tai nạn năm 1993. Trượt dài với cờ bạc, ba cuộc hôn nhân đổ vỡ và sống trong xe tải, Sonny vẫn không từ bỏ đua xe mà lang bạt khắp nơi không ràng buộc đội nào. Sau chiến thắng tại giải 24 giờ Daytona, ông được người đồng đội cũ Ruben – nay là chủ đội đua APXGP – mời trở lại F1. Ruben tiết lộ rằng nếu APXGP không thắng trong 9 chặng còn lại, đội sẽ bị bán. Sonny đứng trước lựa chọn cuối cùng để chứng minh mình là “người giỏi nhất thế giới.”
Có thể thấy, cốt truyện của F1 the Movie không có gì mới: Một tay đua già lỗi thời, chiếu dưới đi tìm vinh quang. Có lẽ mối quan tâm lớn nhất của khán giả sau khi nghe tóm tắt phim là, rốt cuộc APXGP hay cụ thể là Sonny Hayes có giành được chiến thắng không? Hoặc tệ hơn, chẳng ai buồn hỏi câu đó vì chắc là thể nào rồi cũng thắng thôi, tôi đã quá quen với mô-típ này rồi.
Tuy nhiên, phim không kể một câu chuyện cũ theo cách vô tâm, không cố gắng dùng kĩ xảo hay âm nhạc để lấp liếm nội dung (nếu lỡ được làm) cẩu thả. Cách mà các nhân vật chất vấn nhau trong phim chưa biết chừng có thể là điều thú vị nhất mà khán giả có thể chứng kiến trên màn ảnh nếu chịu khó quan sát.
Đời sống sẽ không ngừng thử thách những kẻ muốn vượt lên trên chính nó
Sau chiến thắng tại Daytona, đội trưởng đội Chip Hart Racing đuổi theo Sonny Hayes, ngỏ ý muốn hợp tác tiếp với ông vào năm sau nhưng bị Sonny từ chối, "Thỏa thuận là thỏa thuận."
Chip khó hiểu vặc lại, "Chỉ thế thôi à? Một cuộc đua rồi thôi? Anh đua kiểu gì thế? Cứ dành cả đời để bắt đầu lại?"
Sonny không trả lời.
Tại một cảnh khác, Sonny hỏi bà chủ quán ăn sau khi Ruben rời đi:
"Nếu bạn thân của bà đề nghị với bà một chuyện mà đảm bảo rằng 100% mọi thứ sẽ như mơ, bà có nhận lời không?"
"Chúng ta đang đề cập đến bao nhiêu tiền đây?" Bà hỏi lại.
"Tiền bạc không quan trọng." Sonny đáp.
"Thế thì cái gì quan trọng?"
Sonny Hayes chỉ cười, cầm tấm vé máy bay Ruben để lại rồi rời khỏi quán ăn.
Trong suốt bộ phim, nhân vật Kate, giám đốc kĩ thuật của đội APXGP nhiều lần hỏi Sonny, lúc thì thách thức, lúc thì như tâm tình, "Câu hỏi ở đây là tại sao Sonny Hayes trở lại F1?"
Khi Sonny phải nhập viện vì gặp tai nạn trên đường đua, Ruben vô tình biết được bệnh án cách đây 30 năm của đồng đội cũ. Với những chấn thương đặc biệt nghiêm trọng, Sonny Hayes đáng lẽ không được phép tham gia đua xe nữa. Ruben lúc đó nửa tức giận, nửa cay đắng nói với bạn mình:
"Tại sao chúng ta lại đua xe? Đánh Tennis, chơi Golf thì đã làm sao nào..."
Mặc cho mong muốn khẩn khoản của Sonny, Ruben vẫn nhất quyết loại Sonny ra khỏi đội ngay trước chặng đua tại Abu Dhabi, cũng là cơ hội cuối cùng để APXGP chiến đấu giành lấy một chiến thắng.
Ta ở đây vì điều gì?
Đột nhiên chuyện thắng thua không còn quan trọng.
Các tệp khán giả đi xem với những kỳ vọng khác nhau: có người đi để xem Brad Pitt, có người đi vì say mê âm nhạc của Hans Zimmer, fan F1 đi vì những cảnh xuất hiện chớp nhoáng của tay đua mình yêu thích, hoặc như tác giả bài viết, đi xem mà không chờ đợi gì ở một bộ phim Hollywood không thể nào Hollywood hơn, đều vô thức bị cuốn vào cùng một thắc mắc: Phải rồi, Sonny Hayes đang làm cái quái gì ở đây? Theo đuổi đam mê, gặp một tai nạn khủng khiếp và suýt thì mất mạng, rong ruổi khắp nơi trong chiếc xe tải, lại quay lại với cái đam mê nguy hiểm đó, gặp tai nạn lần nữa, lặp lại tất cả một lần nữa và nhiều lần nữa.
Rõ ràng, vấn đề ở đây không phải là làm thì có thắng hay không mà vấn đề là tại sao lại bắt đầu mọi chuyện.
Cuối cùng thì Sonny Hayes cũng mở lòng với Kate, ông tâm sự thật vì sao mình lại lao vào các cuộc đua bất chấp lớn nhỏ và luôn đi tìm những chặng đua mới để xuất phát lại từ đầu. Đó là vì tình yêu với đua xe, là cảm giác ngồi trong buồng lái mà sẽ có một giây phút, dù rất hiếm thôi, không gian xung quanh rơi vào im lặng, chỉ còn ông sau bánh lái, tim đập chậm, không ai có thể chạm vào ông. Ở khoảnh khắc đó, ông nói, "Anh thấy mình đang bay."
F1 the Movie là một bộ phim kỳ lạ vì nó có thể lộng lẫy tuyệt đối với những cảnh quay tại Las Vegas hoa lệ nhưng phim cũng có thể chân thành, cũ kĩ, phủ bụi như cuốn truyện tranh trên kệ sách của bạn vào những năm 90. Sonny Hayes vừa nói ra một điều lãng mạn đến nỗi ta tưởng như chỉ có nhân vật trong manga thể thao thời xưa mới dám nói. Anh thấy mình đang bay ư? Đến nhân vật chính của phim Marvel bây giờ còn chẳng nói thế!
Sến quá!
Chúng ta đang sống ở một thời kỳ mà lãng mạn bị cho là sến súa, lý tưởng là lỗi thời và phép màu gần như không được tin là có thật, là cái thời kỳ không mấy ai còn muốn đấu tranh vì một cảm giác, thứ cảm giác không làm ra tiền để nuôi ta nhưng giữ cho trái tim ta còn đập những nhịp thực sống động.
Sonny Hayes ở tuổi 50 vẫn miệt mài rèn luyện thể lực, ôm sách vở nghiên cứu đường đua, có một tấm bản đồ 'điểm đến tiếp theo' đầy những dấu mực đỏ. Thay vì yên vị trên vinh quang và đi tiếp một con đường quen thuộc, ông chọn bắt đầu lại và không ngừng làm như thế vì ở đó ông lại được trở về tâm thế của một kẻ không biết gì cần phải học. Và biết đâu trong một khắc may mắn nào đó, ông lại có thể tìm được cảm giác "đang bay".
Kế hoạch C và phép màu
"Này ông bạn, đã bao giờ thấy phép màu chưa?" Sonny Hayes hỏi Ruben.
"Chưa." Ruben đáp.
"Tôi cũng vậy." Sonny bật cười.
Chắc hẳn không ai trong chúng ta dám tự tin trả lời tích cực cho câu hỏi về phép màu. Tuy nhiên, nếu bạn thấy hình ảnh mình trong nhân vật Sonny Hayes, bất kể bạn bao nhiêu tuổi, đang làm gì, chỉ cần bạn vẫn đang nỗ lực để chọn giữa cái đúng và cái dễ, thì theo ngôn ngữ trong F1 the Movie, bạn không cần chờ phép màu bởi vì bạn chính là nó.
Khán giả bước ra khỏi rạp, không khỏi mỉm cười nhớ lại tình tiết thú vị trong phim về cách mọi thứ hoạt động: Không bao giờ loại trừ Kế hoạch C và phép màu.
Sonny Hayes hét vào radio khi đang trong một tình huống khẩn cấp trên đường đua mà không đạt được sự thống nhất với ý kiến của đội:
“Kế hoạch A được đặt tên là kế hoạch A bởi vì nó diễn ra khi mọi chuyện đều suôn sẻ. Anh có thấy bây giờ có gì đang suôn sẻ không?”
“Nhưng kế hoạch C là hỗn loạn!”
“Kế hoạch C là ta chiến đấu đến cùng.”
Ai cũng là nhân vật chính trong cuộc đời của mình
"Chỉ có người chưa xem F1 the Movie chứ không ai xem F1 the Movie chỉ một lần" là kết luận của một cuộc khảo sát thị trường không hề có thật. Phim rời rạp Imax sau hai tuần công chiếu để nhường chỗ cho Superman của DC. Các suất chiếu thường cũng chỉ còn xuất hiện lác đác tại vài rạp. F1 the Movie thu về gần 300 triệu USD trong chưa đầy nửa tháng nhưng cũng chưa đủ để hòa vốn vì kinh phí sản xuất và quảng bá cực kỳ lớn (hơn 350 triệu USD). Có điều, đến lạ là thời nay người ta vẫn còn sản xuất một bộ phim tốn kém như thế mà đến cuối cùng nội dung chỉ là để đặt ra những câu hỏi không đáp án rõ ràng.
F1 the Movie đã không đưa ra bất kỳ tuyên ngôn hào hùng nào về lý tưởng. Các nhân vật không khuyên nhau những bài học đạo lý. Chiến thắng không phải vinh quang duy nhất trong cuộc đời một con người. Sonny Hayes thực chất chỉ là nhân vật chính trong cuộc đời cá nhân của ông.
Đây còn là câu chuyện của Kate - một nữ giám đốc kĩ thuật ôm ước mơ chế tạo ra chiếc xe nhanh nhất thế giới nhằm chứng minh giảng viên vật lý năm nhất của cô đã sai; là câu chuyện của Ruben trên hành trình cứu đội đua của mình; là câu chuyện của Jodie - cô gái thợ máy kiên cường muốn đứng trong hàng ngũ kĩ thuật bằng chính thực lực; là câu chuyện của Joshua - một tay đua trẻ ngông cuồng dám buông tay khỏi thứ mình từng khao khát nhất.
Bộ phim tưởng như chẳng nói được điều gì mà ta chưa biết cuối cùng lại khiến ta vỡ òa xúc động khi nhìn vào ánh mắt lấp lánh của những con người vừa trải qua điều quý giá nhất với họ. Nếu bạn đang tìm kiếm một bộ phim đảm bảo hoành tráng về dàn diễn viên, kĩ xảo tinh vi, nhạc phim bùng nổ mà vẫn hàm chứa một câu chuyện nhân văn thực thụ thì bạn có thể sẽ tiếc vì đã bỏ lỡ F1 the Movie tại rạp.

Quay trở lại với câu hỏi ở tiêu đề: Tại sao lý tưởng của chúng ta lỗi thời? F1 the Movie nói: bạn không cần trả lời. Mỗi khi ai đó muốn định giá lý tưởng của bạn bằng tiền bạc, hãy cứ nở một nụ cười phóng khoáng như Sonny Hayes, giữ kho báu ấy cho riêng mình.
Và lên đường, lái chiếc xe của bạn đi băng băng.