Ở nước ngoài, bệnh viện đang dùng công nghệ gì để giảm quá tải? | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera
08 Thg 07, 2025
Xu Hướng Kinh Doanh

Ở nước ngoài, bệnh viện đang dùng công nghệ gì để giảm quá tải?

Sự quá tải không chỉ khiến bệnh nhân lo sợ, mà chính là nguyên nhân gây nên stress, khiến nhân viên y tế burnout, vấn đề nghiêm trọng nhiều bệnh viện đang phải đối diện!
Ở nước ngoài, bệnh viện đang dùng công nghệ gì để giảm quá tải?

Nguồn: Stockcake

Quá tải bệnh viện không phải là chuyện mới. Thực tế này đã kéo dài từ năm này qua năm khác ở rất nhiều nước trên thế giới: hành lang chật kín người, bác sĩ – y tá kiệt sức – điều dưỡng quá tải, hiệu suất giảm sút, sai sót bắt đầu xuất hiện. Điều này đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của cả bác sĩ và bệnh nhân.

“Không chăm lo cho nhân viên y tế, sao chăm lo tốt cho người bệnh?”

Các bác sĩ linh hoạt trong chuyên môn, nhưng đâu phải họ sinh ra để… nhập liệu đến kiệt sức? Tưởng tượng: hàng trăm giờ liên tục thăm khám, ghi chép, sáng lại chiều, đêm lại sáng, không còn thời gian để nghỉ. Điều này không chỉ dấn đến lỗi khi kê đơn, bỏ sót triệu chứng, mà còn kéo theo vòng xoáy: năng suất suy giảm thì chi phí tăng rồi chất lượng y tế đi xuống. Khi đội ngũ “gồng” đến kiệt sức, bệnh nhân – dù mong được chăm sóc tận tâm – nhưng lại chính là người phải chịu hậu quả đầu tiên.

alt
Bác sĩ, y tá, hay điều dưỡng cũng có thể bị kiệt sức. | Nguồn: Unsplash

Khi “máy móc” cùng làm việc với con người

Vậy đâu là lối thoát? Chính là công nghệ – những trợ thủ không biết mệt để chia sẻ những việc “hậu cần hành chính” để con người tập trung vào việc thực sự quan trọng: khám chữa và chăm sóc.

Dưới đây là 4 công nghệ đang được ứng dụng ở bệnh viện lớn trên thế giới:

RPA (Robotic Process Automation)

Đây là hệ thống tự động được áp dụng vào những công việc như lên lịch xét nghiệm, đăng ký nhập viện, xử lý bảo hiểm, kiểm tra thuốc và cập nhật dữ liệu ICU…

Tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, hệ thống RPA đã tự động hóa 11% quy trình quản lý hồ sơ mỗi ngày, giảm 70% thời gian xử lý, và tiết kiệm tới 765 giờ làm việc mỗi tháng (tương đương gần nửa nhân sự toàn thời gian). Bí quyết nằm ở phần mềm “bot” chạy nền, truy xuất dữ liệu tự động từ phần mềm nội bộ – đúng và nhanh hơn – giúp nhân viên y tế đỡ phải nhập liệu thủ công.

Vòng đeo điện tử thông minh

Là thiết bị hoạt động 24/7 – những “y tá không ngủ” – giúp bác sĩ và y tá bớt đi việc kiểm tra thủ công liên tục, vòng đeo tay này theo dõi liên tục các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân – nhịp tim, SpO₂, nhiệt độ – tự động báo động khi bất thường và được sử dụng rộng rãi ở nhiều bệnh viện tại Anh. Theo Financial Times, vòng đeo như thế giúp bệnh viện phát hiện sớm nguy hiểm, giảm thời gian chẩn đoán – từ đó tăng hiệu quả chăm sóc và đỡ áp lực lên điều dưỡng.

Điều dưỡng robot “Moxi”

Robot như Moxi của Diligent Robotics được thiết kế để chuyển vật tư, tài liệu giữa các khu, giao thuốc, hỗ trợ điều dưỡng ở hành lang, giúp sao chép hồ sơ. Với sự giúp đỡ của Moxi, nhân viên y tế bớt phải chạy đi chạy lại; có thể nghỉ ngơi hoặc tập trung vào chăm sóc người bệnh. Hơn 50 bệnh viện tại Mỹ đã triển khai Moxi và ghi nhận giảm thời gian di chuyển của điều dưỡng từ 30–40%.

alt
Điều dưỡng robot Moxi phụ giúp y tá và điều dưỡng bệnh viện. | Nguồn: Diligent Robots

Thư ký y tế AI (AI Medical Scribe)

Công nghệ “bút trợ lý” Heidi Health này thông minh đến mức nghe tự động buổi khám, ghi chép và tóm tắt toàn bộ buổi khám, và cuối cùng là bác sĩ chỉ cần rà soát, chỉnh sửa.

Theo thông tin từ trang chính thức của nền tảng này, Heidi Health hoạt động tại các phòng khám và bệnh viện Úc, giúp tiết kiệm khoảng 2 giờ mỗi ngày cho bác sĩ, 34 ngày mỗi năm, giảm burnout tới 93% trong các thử nghiệm lâm sàng ban đầu. Heidi Health không chỉ giúp bác sĩ tiết kiệm thời gian mà còn cải thiện đáng kể chất lượng tương tác với bệnh nhân, khi họ không còn phải liên tục nhìn vào máy tính để gõ từng dòng ghi chú.

Nhìn chung

Khi các bệnh viện nước ngoài đang đứng trước áp lực lớn và liên tục phụ thuộc vào sức con người, hệ thống sẽ hụt hơi. Công nghệ như RPA, vòng đeo thông minh, robot Moxi, ghi chép tự động AI không phải là tương lai xa. Chúng sẽ là phụ tá đắc lực – không thay thế y bác sĩ, mà giải phóng họ từ những công việc hành chính – để họ trở lại là người chữa bệnh, người san sẻ nỗi đau – bằng sự chú tâm và tử tế vốn có.

Vậy còn ở bệnh viện Việt Nam thì đang áp dụng những công nghệ gì để giảm quá tải? Hãy chờ bài viết sau để tìm hiểu nhé!