Post-traumatic Growth: Khi não cũng có thể “tập gym”? | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera

Well-nessPost-traumatic Growth: Khi não cũng có thể “tập gym”?

Sau cơn nhức mỏi từ mỗi lần tập gym là một thớ cơ mạnh mẽ hơn. Sau sang chấn tâm lý có thể là một bộ não khỏe mạnh hơn.

Post-traumatic Growth: Khi não cũng có thể “tập gym”?

Trẻ-lành-mạnh: Khi não cũng có thể tập gym. | Nguồn: Minh Thu @hazysoda21 cho Vietcetera.

Có những người sau chia tay thì học lên cao, sau khi bị sa thải thì khởi nghiệp, sau một lần chạm đáy lại sống... có chiều sâu. Không phải ai cũng như thế, nhưng ta vẫn hay gặp những sự trở lại ngoạn mục như vậy, đến mức đôi khi phải tự hỏi: làm sao họ có thể trở nên mạnh mẽ hơn sau thất bại?

Hóa ra, đó không chỉ là sức bền cảm xúc hay ý chí thép. Đó còn là khả năng đặc biệt của não bộ: khi được rèn luyện đúng cách, tâm trí con người cũng có thể “tập gym”. Và cũng như việc rèn luyện cơ thể, có người chọn đi bộ thong thả qua biến cố, có người chọn chạy nước rút. Dù là bài tập nào, điều đáng nói không nằm ở việc ta có vượt qua hay không, mà là: sau khủng hoảng, tâm trí ta trở nên vững chãi hơn.

Đó là khi ta bước vào trạng thái post-traumatic growth (tạm dịch: phát triển hậu sang chấn).

Phát triển hậu sang chấn là gì?

Để hiểu rõ khái niệm tâm lý học này, trước tiên, ta cần hiểu được người “anh em ruột” của nó: kháng thương (antifragility). Thuật ngữ do Nassim Taleb đưa ra năm 2012, chỉ những hệ thống như kinh tế hay giáo dục không chỉ chịu được biến động, áp lực, hỗn loạn mà còn phát triển nhờ chính những yếu tố ấy.

alt
Mô hình mô tả sự khác biệt giữa Mong Manh (bị tổn hại khi gặp biến động) – Kiên Cường (gặp biến động nhưng không bị ảnh hưởng) – Kháng Thương (trở nên linh hoạt, mạnh mẽ và phát triển nhờ biến động). | Nguồn: Minh Thu @hazysoda21 cho Vietcetera.

Phát triển hậu sang chấn trong tâm lý học được xây dựng dựa trên tiền đề của triết lý kháng thương. Theo nghiên cứu của Glazebrook và đồng nghiệp, phát triển hậu sang chấn là khả năng thích ứng tăng cường sau khi con người vượt qua những trải nghiệm mang tính thách thức. Đó có thể là những đổ vỡ trong tình yêu, thất bại trong công việc, hay áp lực lớn đến từ gia đình.

So với các khái niệm cũ như “chữa lành”, khi người trải qua nỗi đau được kỳ vọng là sẽ quay lại trạng thái ban đầu sau thương tổn, phát triển hậu sang chấn đi một bước xa hơn, cho rằng thương tổn cũng có thể là đòn bẩy tôi luyện tinh thần.

Một góc nhìn mới về những trải nghiệm khó khăn

Nhiều người vẫn nghi ngờ sự tồn tại của phát triển hậu sang chấn, nhất là khi sang chấn tâm lý thường gắn liền với rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD). Tuy nhiên, nghiên cứu của tạp chí Clinical Neuropsychiatry đã chỉ ra rằng ngay cả một số bệnh nhân PTSD cũng có thể đạt được mức độ phát triển tâm lý nhất định từ chính sang chấn của họ. Các nhà khoa học nhận thấy những người từng trải qua sang chấn có mức sóng alpha cao hơn ở vùng vỏ não trước trán trái, trung tâm não trái và thùy đỉnh. Phát hiện này cho thấy, trong một số trường hợp, tổn thương tâm lý có thể thúc đẩy não bộ phát triển theo hướng thích nghi hơn.

Việc này không đồng nghĩa ta phải đâm đầu vào khó khăn mới trưởng thành, mà là cần nhìn nhận đúng và có cơ sở khoa học.

Vậy phát triển hậu sang chấn thực sự hoạt động theo cách nào?

Trước tiên, có lẽ ta cần buông bỏ một niềm tin cũ kỹ: rằng hạnh phúc chỉ đến sau khi ta đã khổ sở đủ nhiều. Thật ra, hạnh phúc và khó khăn không nhất thiết phải theo thứ tự tuyến tính “trước – sau”. Chúng có thể song hành.

Nghiên cứu ở Đại học Stanford cũng cho thấy điều tương tự: khi một người chọn nhìn vào thử thách như một cơ hội để lớn lên, bộ não của họ - đặc biệt là vùng điều khiển khả năng thích nghi - trở nên linh hoạt hơn. Một nghiên cứu khác thậm chí cho thấy, những người chấp nhận căng thẳng là một phần bình thường của cuộc sống có xu hướng sống lâu hơn so với những người cố phủ nhận hoặc chống lại nó.

Chúng ta thường nghe rằng “sau cơn mưa trời lại sáng”. Từ cổ tích như Tấm Cám đến phim ảnh hiện đại, thông điệp quen thuộc luôn là: vượt qua đau khổ rồi bạn sẽ chạm đến hạnh phúc. Nhưng sự thật là chúng ta không cần phải chờ đến hồi “hạnh phúc mãi mãi về sau”.

Phát triển hậu sang chấn: Cuộc gặp gỡ giữa tâm lý học hiện đại và tinh thần Á Đông

Dù được đặt tên trong bối cảnh tâm lý học hiện đại, phát triển hậu sang chấn không phải một khái niệm xa lạ với văn hóa Á Đông. Trái lại, nhiều giá trị tinh thần đã có mặt từ lâu đời trong đời sống người Việt, từ triết lý Phật giáo đến tư tưởng sống thuận theo tự nhiên, vốn đã nuôi dưỡng khả năng thích nghi và chuyển hóa khổ đau.

Một ví dụ từ tâm lý học đương đại là mô hình SPIRE do cựu giảng viên Tâm lý học tích cực tại Đại học Columbia - tiến sĩ Tal Ben-Shahar đề xuất. Mô hình này gồm năm yếu tố nền tảng cho sự phục hồi và phát triển sau sang chấn: tinh thần (Spiritual), thể chất (Physical), tri thức (Intellectual), mối quan hệ (Relational), và cảm xúc (Emotional). Trong đó, yếu tố tinh thần giữ vai trò then chốt, giúp con người tìm thấy ý nghĩa và hướng đi kể cả trong những giai đoạn đổ vỡ.

Giao thoa thú vị nằm ở đây: Phật giáo, vốn quen thuộc với người Việt, cũng xem khổ đau là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Nhưng thay vì phủ nhận hay né tránh nó, Phật giáo khuyến khích nhìn sâu vào nỗi đau để từ đó nuôi dưỡng hiểu biết và lòng từ bi.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng viết: “Cuộc sống vừa kinh hoàng vừa diệu kỳ... Làm sao tôi có thể mỉm cười khi lòng đầy nỗi buồn? Mỉm cười với nỗi đau là điều tự nhiên, vì bạn còn lớn hơn cả nỗi buồn của chính mình.”

Sự tương đồng giữa mô hình khoa học phương Tây và trí tuệ tinh thần phương Đông cho thấy: khả năng phục hồi sau sang chấn không chỉ đến từ liệu pháp hay lý thuyết, mà còn từ một nền tảng văn hóa vốn đã giúp nhiều thế hệ người Việt sống qua biến động chỉ bằng sự chấp nhận, chuyển hóa, và tin vào một ý nghĩa vượt lên trên nỗi đau.

Kế hoạch “tập gym” hậu sang chấn

Từ sự kết hợp giữa tâm lý học tích cực và nền tảng tinh thần Á Đông, bạn có thể bắt đầu xây dựng cho mình một kế hoạch “tập gym tinh thần” hậu sang chấn. Không cần quá cầu kỳ hay hình thức, điều quan trọng là tạo ra những thói quen nhỏ giúp bạn từng bước phục hồi và phát triển ngay từ bên trong.

alt
Kế hoạch tập gym hậu sang chấn: Bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất. | Nguồn: Minh Thu @hazysoda21 cho Vietcetera.

1. Viết ra điều mình học được từ biến cố

Dù nỗi đau chưa nguôi ngoai, việc viết xuống một hoặc hai điều bạn rút ra được từ trải nghiệm ấy có thể giúp não bộ bắt đầu xây dựng lại những mạch liên kết tích cực quanh ký ức tiêu cực. Đây là bước đầu để chuyển hóa nỗi đau thành nhận thức.

2. Thực hành “3 phút chánh niệm” mỗi sáng

Ngồi yên, hít thở đều và lắng nghe cơ thể là một cách đơn giản nhưng hiệu quả để điều hòa lại hệ thần kinh. Thói quen này giúp vùng não liên quan đến sự bình tĩnh và kiểm soát cảm xúc hoạt động ổn định hơn, nhất là sau những thời điểm căng thẳng kéo dài.

3. Gửi một lời cảm ơn chân thành mỗi tuần

Việc đó biểu hiện qua một tin nhắn, một câu nói trực tiếp với sự chân thành. Có thể là cảm ơn mẹ vì một bữa cơm, hay cảm ơn một người bạn đã lặng lẽ lắng nghe. Mỗi lời cảm ơn là một nhịp nối lại với đời sống.

4. Hãy tự hỏi bản thân: “Mình đã mạnh mẽ hơn ở điểm nào?”

Mỗi khi bạn tự hỏi: Khi nào mình sẽ ổn? Hãy chuyển hướng tư duy và đổi câu hỏi thành: Mình đã mạnh mẽ hơn ở điểm nào. Sự chuyển hướng này mang lại “hiệu ứng phản hồi tích cực”, giúp bạn nhìn thấy sự tiến bộ thay vì chỉ tập trung vào nỗi đau.

Cho mình một khoảng thở

Dù nỗi đau là điều kiện cần cho phát triển hậu sang chấn, điều đó không có nghĩa ta cần đâm đầu vào khổ đau hay biến sang chấn thành một mục tiêu. Không ai đi tập để đau, người ta tập để khỏe. Phát triển hậu sang chấn cũng giống như tập gym cho não, mục đích không phải là để gục ngã rồi bật dậy, mà là để nếu một ngày ta vấp ngã, ta vẫn có nền tảng để đứng lên và không bị tổn thương quá nhiều.

Không ai nên bị ép buộc phải "trưởng thành" từ tổn thương. Một cuộc sống không có chấn thương là một điều tốt lành, không cần phải “bù đắp” bằng bài học cuộc sống. Nhưng nếu tổn thương đã xảy ra, dù đến từ tình yêu, công việc, hay sự mất mát, thì việc học cách phục hồi và mạnh lên từ nó cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc.

Sau cơn nhức mỏi từ mỗi lần tập gym là một thớ cơ mạnh mẽ hơn. Sau mỗi khủng hoảng, tâm trí, nếu được nuôi dưỡng đúng cách, có thể tìm thấy cách chuyển hóa và phục hồi. Và có lẽ, giống như buổi tập gym đầu tiên, điều đầu tiên cần làm... chỉ là bắt đầu hít một hơi thật sâu.

Mỉm cười với nỗi đau là điều tự nhiên, vì bạn còn lớn hơn cả nỗi buồn của chính mình. - Thích Nhất Hạnh