Đạp xe: Đốt cháy nhiều calo và được hít thở tự do! | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera
Là một phụ nữ, bạn lo sợ điều gì? Làm khảo sát này nhé!Thực hiện

Đạp xe: Đốt cháy nhiều calo và được hít thở tự do!

Xe đạp cho ta cảm giác tự do, đó là khi nghe tiếng gió vù vù bên tai, trái tim đập rộn ràng trong lồng ngực, khi mồ hôi đẫm ướt và ta như thấy mình như vừa được “burn in”!
Đạp xe: Đốt cháy nhiều calo và được hít thở tự do!

Nguồn: Trân Đỗ

Đã từng, vào buổi chiều tan tầm, trôi giữa dòng người kẹt cứng và khói bụi, tôi thấy mình như… một cái cây uể oải, di chuyển nhưng tâm trí thì mọc rễ tại chỗ. Ngày ngày ra đường ngồi trên xe máy hoặc ô-tô. Đến văn phòng bước vào thang máy, bấm nút, vào bàn làm việc. Ăn trưa trong căn tin cũng ngồi. Buổi chiều, tiếp tục ngồi. Về nhà thì nằm dài trên sô-pha. Cuối tuần hẹn hò bạn bè quán xá cũng lại book xe, và ngồi! Một cuộc đời - sống cho qua ngày, chờ qua thời, mặc dù lúc đó tôi chỉ mới hai mươi lăm.

Rồi tôi được rủ tham gia Ironman theo thể thức tiếp sức nhóm. Lúc đầu, chỉ nhận lời vì cả nể, nhưng trong đầu vẫn nghĩ làm gì có thời gian? Làm việc, nghỉ ngơi, đi chơi còn không đủ. Nhưng người rủ quăng cho tôi cái xe đạp leo núi cũ và bảo: “Em tập đạp xe trước đi”.

Lỡ nhận lời, đành đạp xe trở lại, sau nhiều năm đã bỏ hẳn thói quen của rất nhiều học sinh đến trường bằng xe đạp, tôi nhớ như in cảm giác lần đầu tiên leo lên cái xe y như đang cưỡi một con thú hoang bằng sắt. Tôi không biết sang số. Cũng chẳng biết “đề líp” là gì. Tôi đạp bằng số líp mà người ta dùng để leo dốc, quay muốn rã cả hai chân mới lết được cả người và xe về nhà, mồ hôi nhễ nhại, hai bắp đùi ngứa râm ran. Không ngờ đạp xe có mấy cây số mà lại mệt đến vậy! Tôi đi tắm rồi lên giường, và tối đó lại ngủ rất ngon. Có lẽ do quá mệt.

Rồi ngày hôm sau và hôm sau nữa, tôi tiếp tục đạp xe mỗi chiều tối, không phải vì yêu thể thao, cũng không phải vì muốn “tìm lại chính mình” như người ta hay nói. Chỉ đơn giản là thấy thích sự rã rời của cơ bắp khi được đổ mồ hôi và cảm giác sảng khoái tràn đầy năng lượng vào buổi sáng khi thức dậy.

Dần dần, dường như có gì đó bắt đầu xuất hiện trong tôi. Đó có thể là gì nhỉ? Tôi không rõ. Nhưng cảm giác uể oải trì trệ từ từ biến mất. Có mong muốn, có chờ đợi cuối ngày, và háo hức khi bắt đầu thăng bằng trên yên, lao đi và thực sự sảng khoái, nghe tiếng gió vù vù bên tai, nghe trái tim rộn ràng trong lồng ngực. Khi môi thấm vị mồ hôi, da hồng rực và căng lên, tôi thấy mình như vừa được “burn in”. Tôi chuyển động bằng chân, hai tay và vai, quan sát cảm nhận bằng tất cả các giác quan, theo cách mình muốn và tôi tồn tại. Tôi đã gọi cảm xúc ấy là “tự do”.

alt
Khi môi thấm vị mồ hôi, da hồng rực và căng lên, tôi thấy mình như vừa được “burn in”. | Nguồn: Trân Đỗ

Ba tháng sau, người bạn thông báo rằng chúng tôi sẽ không tham gia Ironman nhưng tôi vẫn có thể giữ lại cái xe đạp nếu thích. Tôi trả lại xe cho bạn, bán chiếc xe máy, và đi thẳng ra cửa hàng, tậu một chiếc xe đạp mới, màu mình thích, vừa chiều cao của mình. Tôi quyết định thay đổi thói quen hành vi: di chuyển trong thành phố bằng xe đạp.

Có lúc tôi từng nghĩ mình chỉ đang trốn chạy khỏi sự ngột ngạt và trì trệ. Nhưng khi tìm hiểu kỹ hơn về cơ thể, tôi mới hiểu: đạp xe không chỉ khiến đôi chân chuyển động – nó đánh thức cả một hệ thống vận hành bên trong.

Các nhóm cơ chính như Cơ chân (lower body muscles), cơ mông (gluteus maximus) hoạt động chủ yếu trong quá trình đạp xuống, hỗ trợ tạo lực chính, bắp chân (gastrocnemius và soleus) hỗ trợ trong pha đạp xuống và nhấc lên.

Ngoài ra, đạp xe không chỉ tác động đến chi dưới mà còn cần đến sự ổn định từ các cơ trung tâm như: cơ bụng ngang (transverse abdominis), cơ thẳng bụng (rectus abdominis)…. như một dàn nhạc thầm lặng phối hợp nhịp nhàng. Người ta gọi đó là aerobic, một hình thức vận động giúp tăng sức bền, cải thiện tuần hoàn máu, và làm dịu đi những cơn nhói nghẹt nho nhỏ trong tim..

Một nghiên cứu đăng trên Journal of Sports Sciences cho thấy đạp xe tăng cường sức mạnh của nhóm cơ duỗi đầu gối và cơ mông rõ rệt sau 6 tuần tập luyện ở cường độ vừa phải. Bản thân tôi còn thấy cơ vai và cánh tay rõ ràng khỏe hơn khi phải hoạt động để giữ tay lái ổn định.

Tôi bắt đầu chăm đạp xe hơn. Tôi đạp xe đi làm, đi chơi, kể cả khi đi du lịch, tôi cũng mang xe theo, đóng vào hành lý ký gửi. Xe đạp dần dần không còn là một dụng cụ thể dục hay phương tiện di chuyển đơn thuần. Tôi xem nó như một người bạn, còn đặt cả tên cho nó.

Cũng có những lần đạp xe chậm qua những con hẻm nhỏ, tôi chợt thấy lòng mềm lại, nhớ người dì đã dịu dàng, kiên nhẫn dạy cách giữ thăng bằng và bình tĩnh, cách nhấp nhấp nửa vòng rồi có thể từ từ đạp trọn một vòng, giờ đây, dì ấy đã không còn. Xe đạp một thời, ký ức một thời, những nỗi nhớ khiến người ta khi ngắt mạch sẽ thấy thực tại có giá trị hơn.

Thực tế là: thời gian di chuyển trong thành phố bằng xe đạp và xe máy gần như bằng nhau. Thậm chí, đi xe đạp có khi còn tiện hơn vào giờ cao điểm, tôi chỉ việc dắt xe đạp lên vỉa hè và rời khỏi đám đông, tìm đường khác hoặc “quay xe” đúng nghĩa đen và điều đó giúp bớt stress rất nhiều.

Hơn thế, tôi không còn lấy lý do không có thời gian để tập thể dục bởi vì thời gian di chuyển mỗi ngày ít nhất 8km đi và về đã được chuyển hóa thành thời gian tập thể dục. Dù vậy, đi xe đạp vẫn có một sự bất tiện nho nhỏ là đổ mồ hôi. Thế nên, thêm một thói quen mới: luôn có sẵn một bộ quần áo sạch trong ba-lô.

Và tôi đạp xe như một người tự do.

Không bị thúc ép vì thành tích, tôi đạp xe khi vui, khi buồn, khi trống rỗng, hoặc khi cảm thấy mất cân bằng. Rồi tôi đoạt giải trong một cuộc thi không chuyên, chỉ tham gia vì muốn thử sức bền. Sau đó, không ít người nhầm vì có giải mà tôi coi xe đạp là phương tiện yêu thích, trong khi sự thật là điều ngược lại.

Lúc đầu, khi biết quyết định bán xe máy để đi xe đạp, nhiều người nhìn tôi như thể tôi là sinh vật lạ. Có người còn nửa tin nửa ngờ nghĩ rằng tôi xạo cho vui, có người mang thông tin khoa học giễu cợt “đạp xe đi làm giảm 46% nguy cơ bệnh tim mạch và 45% nguy cơ ung thư hả?”. Tôi kệ!

Khi đọc Homo Deus của Yuval Noah Harari, tôi đã rất tâm đắc với đoạn này của ông: “Tri thức mà không làm thay đổi hành vi thì vô dụng. Nhưng tri thức mà làm thay đổi hành vi thì lại nhanh chóng không còn hợp thời.”

Một nhận định lạnh lùng, nhưng chính xác. Tri thức nào rồi cũng lỗi thời. Nhưng cơ thể chúng ta thì không. Nghịch lý là ở chỗ khi công nghệ, y khoa càng tiến bộ thì con người càng ỷ lại, càng văn minh càng lười vận động, càng hiểu biết thì lại càng dễ dàng rời xa cơ thể sinh học của chính mình.

Dưới con mắt của nhiều người, xe đạp có lẽ vẫn được xem là một hình ảnh lỗi thời. Chẳng ai muốn đạp xe cọc cạch dưới trời nắng. Không ai muốn “chậm lại” trong một xã hội luôn giục giã. Những gì được coi là “hiện đại, tiện lợi, hợp thời” đều xoay quanh một điều: giảm thiểu tối đa sự vận động của cơ thể.

Mặc dù cơ thể con người được sinh ra để di chuyển bằng hai chân, tổ tiên của chúng ta đi bộ mỗi ngày, leo trèo, hít thở không khí trong tự nhiên và đổ mồ hôi, nhưng ngày nay, ta lại đem phiên bản được thiết kế cho đồng cỏ và núi đá ấy nhét vào ghế xoay, điều hòa và app công nghệ.

alt
Đạp xe không chỉ khiến đôi chân chuyển động – nó đánh thức cả một hệ thống vận hành bên trong.

Tôi đã bỏ xe máy, đạp xe được bảy năm.

13.000 chính là tổng số kilomet mà tôi đã tích lũy được. Với người khác, con số đó có thể không có ý nghĩa, nhưng với riêng tôi, đó là một niềm kiêu hãnh đáng tự hào.

Xe đạp, có thể không thay đổi được thế giới nhưng nó đã thay đổi tôi. đôi khi, như thế cũng đủ rồi.

Khỏe hơn, vui hơn, tự do hơn thì chắc chắn đẹp hơn.