Đó là combo phá thận phổ biến khiến cho suy thận đang có chiều hướng trẻ hóa. Chúng ta không để ý, vì triệu chứng ban đầu thường mơ hồ: mệt, tiểu đêm, mất ngủ, da xỉn màu… Nhưng đến khi thận thực sự "kêu cứu", thì mọi thứ chuyển thành nỗi đau rất thật và rất khó cứu vãn!
Khi thận suy, bạn không chỉ mệt mỏi triền miên. Cơ thể bắt đầu tích nước, phù mặt, phù chân, khó thở, buồn nôn, ăn không vô. Huyết áp tăng vọt. Da xám, hơi thở có mùi. Ngay cả một ly nước cũng có thể làm bạn nghẹt thở vì thận không lọc kịp. Đáng sợ hơn, nhiều người phải lọc máu cả đời 3 lần mỗi tuần — mỗi lần 4 tiếng, nếu không có điều kiện ghép thận.
Chi phí? Có thể lên đến cả trăm triệu đồng mỗi tháng.
Tinh thần? Xuống dốc không phanh.
Cuộc sống? Gắn chặt với bệnh viện, dây truyền và máy móc.
Nếu bạn từng nghĩ suy thận là bệnh của người lớn tuổi hay do di truyền, thì đã đến lúc nhìn lại vì những lý do khiến thận “đổ bệnh” thực ra đơn giản và dễ gặp hơn bạn nghĩ.
Nguyên nhân gốc rễ bị bỏ quên
Câu chuyện của những người trẻ bị suy thận, bất ngờ phát hiện ra, tràn lan trên mạng xã hội thời gian qua.
Dữ liệu thực tế từ Bệnh viện Chợ Rẫy tháng 6 năm 2025 khiến nhiều người giật mình: cứ 5 người chạy thận thì có 1 người trẻ, không có tiền sử bệnh. Họ chỉ… sống như chúng ta đang sống: ăn nhiều nước chấm và gia vị, uống ít nước, uống thuốc cho qua cơn đau, và làm việc suốt ngày ít đi vệ sinh.
Nghe thì có vẻ đơn giản. Nhưng thực chất, những thói quen đó không tự dưng mà có.
Chúng ta không chọn sống thiếu lành mạnh. Chúng ta chỉ đang cố gắng xoay xở. Nhịn tiểu 8 tiếng ở văn phòng, là vì không muốn bỏ lỡ buổi họp. Ăn vội cho qua bữa hoặc bỏ bữa là vì deadline dí tới cổ. Thức khuya gồng deadline, vì sếp gửi tin nhắn lúc 10 giờ đêm. Dùng thuốc giảm đau không đơn, vì vẫn phải "cười nói" với khách hàng dù bụng đau quặn lên từng cơn.

Chúng ta không chọn bệnh. Chúng ta chọn việc – và hy vọng sức khoẻ sẽ chịu đựng thêm một chút, như câu chuyện của Anh Đức, người đàn ông 29 tuổi từng được nhắc đến trong một bài báo. Làm văn phòng từ khi ra trường, Đức sống với nhịp quen thuộc: ngủ ít, ăn vội, cà phê thay bữa sáng, rồi thuốc giảm đau mỗi lần căng cơ hay nhức đầu. Mọi thứ vẫn ổn – cho đến một ngày anh nhận chẩn đoán suy thận giai đoạn ba.
“Trước đây mình cũng nghĩ mình còn trẻ, có sức khỏe thì tranh thủ làm, cày ngày cày đêm. Nhưng cơ thể có giới hạn,” anh chia sẻ.
Và khi đó, không còn là chuyện của một viên thuốc hay một cốc nước nữa. Là ba buổi một tuần nằm viện lọc máu. Là sự nghiệp bị ngắt quãng. Là cả gia đình phải xoay sở tài chính. Là nỗi đau của việc không thể làm chủ chính thân thể mình. Anh Đức chính là hình ảnh soi chiếu của rất nhiều người trẻ đang "cố gắng thêm một chút”.
Cày deadline "sát ván", và “sát” luôn sức khỏe!
Suy thận không đến một cách ồn ào, nó từ từ, lặng lẽ, nhưng khi đã lên tiếng bằng các biểu hiện mắt thường cũng thấy được, thì đã muộn.
Suy thận chỉ là một ví dụ điển hình khi cơ thể bị “vắt kiệt” trong thời gian dài không được phục hồi. Điều đáng nói là phần lớn chúng ta không chủ động làm tổn hại sức khỏe. Chỉ đơn giản là: công việc quá gấp, thời gian quá ít, mọi thứ diễn ra quá nhanh… và sức khỏe bị đẩy xuống cuối danh sách ưu tiên. Vậy làm sao để duy trì hiệu suất mà không hy sinh thể lực? Câu trả lời nằm ở chỗ: biết phục hồi đúng lúc, thay vì chỉ biết cố thêm.
Quản lý năng lượng – thay vì “bị hút cạn pin”
Tiến sĩ Jim Loehr, chuyên gia tâm lý thể thao và tác giả của cuốn The Power of Full Engagement – Sức mạnh của toàn tâm toàn ý, từng nhấn mạnh: “Stress không phải là vấn đề. Vấn đề là khi chúng ta không biết phục hồi sau stress.” Bạn có thể bận rộn, làm việc dưới áp lực cao, thức khuya… miễn là sau đó cơ thể có cơ hội được nạp lại năng lượng.

Không cần “healthy lifestyle” siêu nghiêm khắc. Chúng ta có thể bắt đầu với vài chỉnh sửa nho nhỏ trong ngày:
- Cắt bớt dầu – đường – muối: giảm nước chấm, bớt topping, chọn trà ấm hoặc trà ít đường thay vì trà sữa mỗi ngày.
- Để sẵn bình nước 2 lít trên bàn làm việc: target cuối ngày uống hết là ổn.
- Đừng nhịn ăn: ráng giữ 3 bữa một ngày, kể cả có bận đến mấy.
- Vận động xíu mỗi ngày: giãn cơ 5 phút, đi bộ 15 phút, tập nhẹ 2–3 buổi/tuần. Cơ thể mà ngồi hoài thì “méo mặt” đó.
Bên cạnh đó, làm việc cật lực suốt nhiều giờ là công thức của... kiệt sức. Một cách hiệu quả hơn là mô hình “sandwich” – chia buổi làm việc thành 3 phần:
- Mở đầu nhẹ nhàng: dọn bàn, trả lời email dễ, check lịch họp.
- Tập trung cao độ: dành 60–90 phút làm việc quan trọng – viết lách, phân tích, brainstorming.
- Kết thúc nhẹ: rà soát checklist, chuẩn bị tài liệu, sắp xếp lại ghi chú.
Cách này giúp bạn không rơi vào trạng thái “bị hút cạn pin” sau một ca làm việc. Những đầu việc nhẹ ở phần đầu/cuối còn như phần thưởng – giúp bạn cảm thấy trọn vẹn và kiểm soát tốt hơn.

Chăm sóc cho giấc ngủ cũng là một điều mà chúng ta nên chú ý. Ngủ đúng - không cần nhiều, chỉ cần sâu. Theo Matthew Walker, chuyên gia thần kinh học tại Đại học Berkeley và tác giả cuốn Why We Sleep: “Giấc ngủ là thứ hiệu quả nhất để tái khởi động não và cơ thể mỗi ngày.”
Vì thế, dù chỉ là vài tiếng ngủ, hãy đảm bảo rằng đó là lúc cơ thể thật sự thả lỏng trọn vẹn bằng những gợi ý nhỏ:
- Tắt điện thoại/laptop ít nhất 30 phút trước khi ngủ.
- Tránh uống cà phê sau 2h chiều.
- Phòng ngủ nên mát, yên, và tối
- Thử nghe nhạc nhẹ, đọc sách giấy, hoặc thiền 5 phút trước khi ngủ thay vì “lướt” TikTok.
Điều cuối cùng…
Làm hết mình không sai. Nhưng đừng làm tới mức không còn mình để tận hưởng.
Bạn có thể “cày” giỏi, làm việc đỉnh – nhưng phải để cơ thể có cơ hội nghỉ, sạc lại, hồi phục. Đừng để tới lúc phải nghỉ việc vì bệnh rồi mới nhận ra: mình đáng lẽ có thể chọn cách sống khác.